“Chị” Mai kể chuyện “Anh” Kỳ trên đài LSTV
LÊ LA tổng hợp
Chuyện tình yêu của thường dân dù lấy nhau, sinh con đẻ cái là chuyện chẳng ai muốn nghe. Nhưng đối với một cặp uyên ương thời loạn như thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và người đẹp Đặng Tuyết Mai thì khác, ai cũng muốn nghe. Chuyện tình này có nhiều đoạn gây cấn, đã được ông “Larry King Bolsa” Ngụy Vũ đặt thành câu hỏi, và được chính bà đệ nhị phu nhân thời VNCH kể lại vào tối thứ Năm, 26 tháng 3, 2009 trên đài LSTV. Câu chuyện được bà kể, được Việt Weekly lược trích lại như sau:
NV: Chị bằng lòng ngay lúc đó?
ĐTM: Sau khi chị nhận lời, ông vui lắm, ông đi về. Chị đi lên cầu thang mà chị bò (cười). Tại vì quyết định bằng lòng lấy chồng lúc đó kinh hoàng lắm. Mình không phải là từ yêu mà đưa đến quyết định lấy nhau. Vẫn cứ đang tính đẩy ra. Mà lúc đó mới có 22 tuổi, không định lấy chồng hay lập gia đình ngay lúc đó. Sự phản đối của gia đình chị rất nặng. Mẹ chị dọa từ, ghê lắm. Mẹ chị là góa phụ nuôi chị từ nhỏ, chị sợ lắm, việc gì cũng phải vâng lời mẹ.
Cho nên, khi quyết định, lúc đi lên cầu thang, tay phải bò, và nói chết rồi, chết rồi, mình nhận lời rồi. Đó là một sự quyết định ghê gớm. Một trong những quyết định lớn trong đời.
NV: Mặc dù kỷ niệm này đã trôi qua hơn 40 năm, nhìn trong mắt chị, khi chị nhắc lại kỷ niệm này, thấy chị vẫn còn xúc động. Như cô gái mới lớn nói về mối tình đang yêu. Sở dĩ em đặt ra kỷ niệm này, thực sự không phải vì tò mò. Tuy nhiên, có nguyên nhân, là trước đây, em có đọc hai cuốn sách của cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Sự khác biệt là, khi nói về kỷ niệm đầu đời của chị, chị nói vừa nghiêm túc, vừa trang trọng. Ngược lại, trong hai cuốn sách đó, cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ không hề nhắc lại điều này. Sự khác biệt này, chị nghĩ thế nào về điều này?
ĐTM: Thật ra… Em hỏi hơi đột ngột, nhưng mà… Thật ra, chị cũng có ngạc nhiên là chị không thấy anh Kỳ mention tên chị trong đó. Điều này cũng có nhiều bạn bè, anh em Không quân, người nói là tại vì anh giận hờn chị,… Chị chỉ lập lại lời người ta thôi… hay là cay cú, hay là ông sợ hãi, ngại ngùng làm buồn lòng người khác. Không phải chị thất vọng vì không được anh ấy nhắc nhở đến tên. Nhưng khi viết hồi ký là mình phải liên hệ đến những nhân vật, những sự kiện lịch sử. Không cần biết lúc đó mình yêu hay ghét ai, cảm tình hay không có cảm tình, những tên tuổi và những nhân vật đó vẫn phải được mention trong hồi ký đó, trong cuốn sách của mình. Điều anh Kỳ không nhắc đến tên chị, đối với chị, chị đã coi thường những chuyện danh vọng đó, đâu có ăn thua gì. Nhưng riêng chị hơi nghĩ rằng, anh Kỳ hơi xoàng. Xoàng về điểm đó, không dám nhắc đến tên chị. Tại sao? Ghét cũng cứ nhắc đi, nói rằng bây giờ tôi ghét lắm. Mặc dù, muốn hay không, chị cũng đã là một người đi cùng với ảnh qua thời gian tính của lúc đó.
Những liên hệ đến nhạc Trịnh Công Sơn
Trong câu chuyện, bà Đặng Tuyết Mai cũng đề cập tới các nhân vật khác như đại tá Lưu Kim Cương và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngụy Vũ đã đặt ra câu hỏi và bà Mai kể lại như sau:
NV: Ngay từ phút đầu, khi được chị Đặng Tuyết Mai nhận lời lên chương trình Ngụy Vũ Show, khi nói về quãng đời của chị, có quá nhiều giai đoạn về không gian và thời gian mang tính lịch sử. Vì vậy, trong thế hệ của Ngụy Vũ, không dám đi về giai đoạn trước 1975. Tuy nhiên, Ngụy Vũ tôn trọng cuốn hồi ký của chị sắp ra trong năm 2009. Lúc nãy, chị có nhắc tới cố Đại tá Lưu Kim Cương, điều này làm cho em nhớ lại dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Đây cũng là một huyền thoại. Em chỉ muốn hỏi chị, bài hát “Cho một người nằm xuống,” có phải đích thực Trịnh Công Sơn viết cho cố Đại tá Lưu Kim Cương không chị?
ĐTM: Vâng, thật ra, tất cả chúng ta đều biết bài đó Trịnh Công Sơn viết cho cố Đại tá, bây giờ là cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương.
Có nói một tí về liên hệ của Trịnh Công Sơn không?
NV: Chắc chắn. Chính em cũng muốn biết. Lịch sử có nhiều giai đoạn, nghệ thuật, chiến tranh đều là lịch sử. Giao tình như thế nào mà trong thời đó, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại viết bài hát đặc biệt này trong niềm xúc động cho cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương?
ĐTM: Trước hết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tất cả chúng ta đều không những ngưỡng mộ, thán phục mà còn yêu mến. Riêng đối với chị, cảm tình đối với anh Trịnh Công Sơn còn có một tí tình cảm rất là trái cấm. Trái cấm đây không có nghĩa là có tình cảm gì đặc biệt giữa đàn ông đàn bà. Không có. Nhưng thời kỳ đó, anh Trịnh Công Sơn viết những bài hát được mô tả là phản chiến. Anh Kỳ, lúc đó, là người đang chiến đấu. Thành ra, anh Kỳ đã một lần công khai trong ban Không quân, do anh Lưu Kim Cương hay mời anh Trịnh Công Sơn tới, đã đả kích anh Trịnh Công Sơn là anh đã viết những bài phản chiến. Chị nhớ lúc đó, anh Trịnh Công Sơn nói rằng, anh không nghĩ đến viết phản chiến gì hết, mà chỉ là một người nghệ sĩ viết lên niềm đau của dân tộc, những điều mắt thấy tai nghe, đau đớn thôi. Anh Kỳ nói rằng là, đương nhiên anh viết như thế, những người lính ở mặt trận… Anh Trịnh Công Sơn mới nói, anh là người đứng giữa, một chứng nhân. Anh Kỳ có nói rằng, trong hai chiến tuyến đang đánh nhau, anh chọn là người đứng giữa anh sẽ bị trúng đạn của cả hai bên. Thành ra, có sự rất căng thẳng giữa anh Kỳ và Trịnh Công Sơn.
Ngược lại, phía đằng sau, anh Lưu Kim Cương và chị rất là say mê nhạc của anh Trịnh Công Sơn và con người của anh Trịnh Công Sơn nữa. Chị hay nấu nướng. Trong Câu lạc bộ Không quân, anh Lưu Kim Cương có một câu lạc bộ nhỏ là Mây Bốn Phương, luôn luôn kéo anh Trịnh Công Sơn vào đó. Chị đem đồ nhậu đến. Anh Trịnh Công Sơn làm được bài nhạc mới là hát và hay tả cho nghe. Chị hay đến câu lạc bộ Mây Bốn Phương để nghe anh Trịnh Công Sơn đàn hát những bài hát mới.
Giao tình của anh Trịnh Công Sơn với anh Lưu Kim Cương rất mật thiết. Cũng lạ, một người rất là nhà binh, to lớn, cường tráng. Còn anh Trịnh Công Sơn rất là mỏng manh, ốm yếu. Nhưng hai người gần nhau vô cùng trong tình nghệ sĩ. Anh Lưu Kim Cương có rất nhiều nghệ sĩ tính, hát rất hay. Thành ra, họ rất thân mến với nhau. Hàng tuần, họ gặp nhau hai, ba lần.
Cho nên, lúc anh Lưu Kim Cương nằm xuống, anh Trịnh Công Sơn làm bài “Cho một người nằm xuống,” thật xúc động. Chị không lấy làm lạ, vì họ rất thân nhau.
NV: Đó là sự liên hệ, thân tình giữa cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giao tình giữa chị và anh Trịnh Công Sơn trong thời đó, đối với chị kỷ niệm nào chị có với anh Trịnh Công Sơn. Kỷ niệm nào chị ghi nhận được, trong đó có nhạc phẩm chị biết được hoàn cảnh ra đời?
ĐTM: Những hoàn cảnh ra đời của những bản nhạc, trong sách và báo chí nói đến nhiều lắm. Chị chỉ nói giao tình riêng, cá nhân. Trịnh Công Sơn hay nhiều lần, thích bắt tay chị vô cùng, khi bàn đến một lời ca nào của Trịnh Công Sơn, mà ca từ của Trịnh Công Sơn tuyệt vời. Chẳng hạn như trong bài Mưa Hồng, chị rất yêu câu, “Trời ươm nắng cho mây hồng.” Khi nói đến “ươm nắng,” mình thấy sự ẩm ướt, mưa gió, mà tại sao lại có nắng. Câu chuyện rất dài.
Chị xin nói là tại sao Trịnh Công Sơn đứng dậy bắt tay chị.
Trong câu, “Em đi về cầu mưa ướt áo.” Chị hỏi anh Trịnh Công Sơn là, “Ai là người cầu mưa ướt áo?” Có nguồn dư luận nói là, “Em đi qua cầu, rồi trời mưa ướt áo.” Có nhiều người khác lại nói rằng là, “Anh là người cầu mưa ướt áo, vì các em Đồng Khánh mặc áo trắng, mà trời mưa, tất nhiên là có good view.” Chị nói là, chị nghĩ người cầu mưa chính là người con gái đó. Tại vì người con gái Huế rất lãng mạn. Bây giờ, người phụ nữ được quyền ăn mặc hở hang để khoe nét đẹp. Nhưng ngày xưa, trong sự nghiêm khắc e dè của người Huế ngày xưa, và của đất nước ngày xưa, không cho phép người phụ nữ được phô bày. Thành ra, “Em đi về, em cầu cho mưa ướt áo, để em được chính thức khoe vẻ đẹp của mình.” Chị nghĩ chính người con gái cầu cho mưa ướt áo. Khi chị nói thế, Trịnh Công Sơn vỗ bàn và nhổm người lên bắt tay chị, thích vô cùng. Chị đã nhìn ra được.
Trong bài “Cát bụi tình xa,” có câu “vết mực nào xóa bỏ không hay.” Chị hỏi tại sao có câu đó. Trịnh Công Sơn nói rằng, ngày xưa ở những làng Huế rất nhỏ, khi trong gia đình có người chết, phải đi khai tử. Ông xã trưởng già nua mở cuốn sổ hộ tịch ra, ông đeo kiếng và tra tên, và chấm mực, xóa tên người chết. Đó là câu, “vết mực nào xóa bỏ không hay.”
trich Viet Weekly
Trả lời