Huế, ngày 15 tháng 01 năm 20032003-07-16 13:43:05
Kính gởi Ban biên tập Trang Web Giaodiem.com và Giaodiem.net.
Tối ngày 14.01.2003, một người quen ở nước ngoài gởi qua mạng cho tôi Trang Văn Nghệ 2003 trích trên Trang Web Giaodiem.com có đăng Thư của ông Nguyễn Thanh Ty đề ngày 6/11/2002, tỏ thái độ bất bình về bài viết ‘TCS với cao nguyên bụi đỏ sương mù’ của tôi đã đăng trên mục Văn Học năm 2002 của Giao Điểm. Tiếp sau thư của ông Nguyễn Thanh Ty là bài Giao Điểm trả lời thư của ông Nguyễn Thanh Ty về bài viết của tác giả Nguyễn Đắc Xuân đăng trên web GĐ, mục Văn Học năm 2002. Đọc kỹ thư của ông Nguyễn Thanh Ty, tôi nghĩ chỉ cần đề nghị người phụ trách trang Web GiaoDiem cho đăng lại bài viết của ông Nguyễn Thanh Ty bên cạnh bài viết của tôi để cho độc giả Giao Điểm đọc và tự thấy ông cựu giáo sinh sư phạm Nguyễn Thanh Ty bất bình vì ý muốn độc quyền ‘thông tin’ hay vì nhã ý muốn cùng những người yêu quí nhạc sĩ Trịnh Công Sơn góp ‘thông tin lịch sử’ cho cuộc đời của Sơn. Nhưng vì ở cuối phần trả lời, ông Nguyễn Văn Hoá – người phụ trách trang Web Giao Điểm viết: ‘Chúng tôi không liên lạc thường xuyên với nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, nhưng mong rằng qua lá thư của ông và phần trả lời của chúng tôi, ông Xuân sẽ đọc được rồi lên tiếng’. Vì thế tôi không thể không lên tiếng.
Trước tiên, như tôi vừa đề cập, tôi xin dành lời phê phán cho độc giả sau khi đọc bài viết của Nguyễn Đắc Xuân và bài của ông Nguyễn Thanh Ty (nếu Trang Web Giao Điểm đồng ý đăng hoặc đọc ở một báo viết, báo điện tử nào đó);
Thứ hai, những gì Giao Điểm đã đề cập và đã trả lời, tôi không nhắc lại sợ làm mất thì giờ bạn đọc.
Thứ ba, bài ‘Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù’ của tôi trước khi đăng lên trang Web GiaoĐiểm, đã đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 410, ra ngày 1.1.2002, kèm theo 4 tấm ảnh tư liệu (trong đó có tấm ảnh Trịnh Công Sơn đệm đàn cho Khánh Ly hát Tuổi đá buồn tại quán Văn Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1965). Từ đó đến nay tôi đã nhận được một số góp ý để sửa chữa. Tôi rất cám ơn.
Lâu nay tôi thường rất thích tranh luận để tiếp cận với thông tin lịch sử đích thực, nhưng qua trang thư nầy tôi chưa có ý tranh luận với ông Nguyễn Thanh Ty. Lý do: tôi không biết ông Nguyễn Thanh Ty là ai, nhưng mới đọc qua thư ông viết cho GiaoĐiểm tỏ thái độ bất bình với bài viết của tôi với một giọng điệu kệch cỡm gây cho tôi cảm tưởng hình như ông Ty không được bình thường (?). Thông thường chỉ có những người không bình thường mới đi tranh luận với một người không bình thường! Do đó tôi chưa đặt vấn đề tranh luận với ông Ty ở đây.
Nếu trong thực tế ông Ty vẫn bình thường và đã đọc kỹ bài ‘Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù’ của tôi trên trang Web Giao Điểm thì xin ông chỉ cho tôi biết trong bài viết của tôi có đoạn nào, ở trang nào, ở dòng nào tôi đã viết như ông đã trích vào thư ông như các đoạn sau đây:
– Nguyễn Đắc xuân ‘đã gặp được những người trong cuộc, từng sống chung với TCS như ông Lê Cao Lợi, ông Thành, Thanh Ty, Hảo Tâm, Văn Ba, cô Ngà, bà Phi v.v….’
– ‘Những tài liệu này, cũng theo ông (tức Nguyễn Đắc Xuân), TCS đã chôn chặt suốt đời, nên ít ai biết đến, kể cả những người rất thân cận với TCS như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Đinh Cường, Trịnh Cung và Nguyễn Đắc Xuân, bây giờ chính ông (tức Nguyễn Đắc Xuân) mới là người đầu tiên khám phá ra’.
Nếu ông không chỉ ra được tôi đã viết hai đoạn văn trên ở đâu thì ông bị tôi ngờ ông không bình thường là có lý do. Chỉ có những người không bình thường mới viết dựng đứng lên như thế!
Ông lại viết:
– ‘Tôi không hiểu ông Xuân đã lấy tài liệu ở đâu mà viết rất chính xác từng chi tiết một’.
Nếu ông Ty đã đọc bài của tôi thì chắc ông đã biết được nguồn tham khảo của tôi qua đoạn văn nầy:
‘Người cung cấp những thông tin đầu tiên về những năm tháng Trịnh Công Sơn dạy học và sáng tác ở B’lao cho tôi là chị Lê Thị Ngọc Trinh – bạn học Sư phạm khóa I (1962-1964) với Sơn ở Qui Nhơn và đồng nghiệp của Sơn ở B’lao. Người dẫn đường là thầy giáo Lê Quang Kết ở B’lao. Những người hiểu rõ những năm tháng Trịnh Công Sơn ờ B’lao là cụ Lê Cao Lợi – nguyên trưởng ty Tiểu học, lãnh đạo của thầy giáo Trịnh Công Sơn lúc ấy và cụ Phạm Trung Thành, nhân viên cũ của Ty Tiểu học (từ năm 1964) – người chơi đàn violon, hay trao đổi về âm nhạc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở B’lao. Tư liệu bổ sung do hai ông bạn họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung giúp.
Những người giúp cho tôi thông tin để viết bài ‘Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ sương mù’ (t/c Kiến Thức Ngày Nay), hiện sống ở Huế (Lê Thị Ngọc Trinh), ở Bảo Lộc (Lê Cao Lợi, Phạm Trung Thành), ở Thành phố Hồ Chí Minh (Trịnh Cung), ở Mỹ (Đinh Cường), người dẫn đường cho tôi (vào đầu tháng 7.2001) đi tìm những nơi Trịnh Công Sơn đã từng qua ở Bảo Lộc là thầy giáo Lê Quang Kết (hiện đang dạy Cao đẳng Nông lâm ở Bảo lộc). Những người nầy đều xuất thân dạy học, đang ở trong nước, không xa lạ với mấy trăm ngàn bản/mỗi số tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, nếu tôi bịa đặt chuyện đã gặp họ và đưa vào miệng họ những thông tin mà họ không phải là người cung cấp chắc chắn với một sự tự trọng tối thiểu của nhà giáo họ đã phản ứng tôi từ lâu.
Không ai trong những người đã nêu tên trong nguồn cung cấp thông tin cho bài viết của tôi có lần đã ở chung nhà thuê với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như ông Ty nhưng sự hiểu biết của họ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa chắc đã thua ông Ty. Nhiều người trong số những người đã giúp tôi có lẽ ông Ty đã biết ? Thế thì tại sao ông còn hỏi tôi ‘lấy tài liệu ở đâu?’ Hay là vì cái tôi muốn độc quyền thông tin của ông quá lớn, đã che mắt ông không cho ông đọc thấy tên những người ấy nên ông mới hỏi tôi như thế ?
Tôi lại hết sức sửng sốt khi đọc đến cái T.B. ở cuối thư của ông Ty: ‘Cô Lê Thị Ngọc Trinh tuy cùng được bổ nhiệm một lượt với chúng tôi, nhưng tôi khẳng định cô Trinh không biết một chút gì (NĐX nhấn mạnh) về những điều mà ông Xuân bảo rằng cô ấy đã kể và hát bài ‘Ông tiên râu dài’ cho ông nghe.’
Tôi không thể ngờ được một người đã từng học nghề thầy như ông Ty lại chủ quan, võ đoán, viết lách xúc phạm đến một đồng nghiệp cũ của mình đến như thế!
Ông Ty cùng học Sư phạm Qui Nhơn, cùng được bổ nhiệm lên Bảo Lộc và cùng ở nhà thuê với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cô giáo Lê Thị Ngọc Trinh tuy không ở cùng nhà thuê với Trịnh Công Sơn tại Bảo Lộc nhưng cô có những cái ‘cùng’ giúp cô có thể hiểu Trịnh Công Sơn cặn kẽ mà ông Ty không thể nào có được như: cô Ngọc Trinh cùng lớn lên và cùng sinh hoạt ca nhạc ở Huế với Trịnh Công Sơn, cùng vào thi và học Sư phạm Qui Nhơn, cùng hoạt động văn nghệ suốt hai năm học Sư phạm, cùng được bổ nhiệm lên Bảo Lộc, cùng hoạt động văn nghệ ở Bảo Lộc, cùng gặp nhau nhiều lần trong mấy chục năm từ trước 1975 cho đến trước ngày Trịnh Công Sơn qua đời (4.2001), cùng với các cựu giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn sinh sống ở Huế hằng năm họp mặt và không quên hát nhạc Trịnh và nhắc lại những kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhờ thế, cô Lê Thị Ngọc Trinh không những đã giúp tôi một số thông tin có liên quan đến thời gian Trịnh Công Sơn ở Bảo Lộc để tôi viết bài Trịnh Công Sơn với Cao nguyên bụi đỏ sương mù mà còn giúp tôi hình ảnh và một số thông tin khác để tôi viết các bài: Trịnh Công Sơn với phố biển Qui Nhơn (t/c Kiến Thức Ngày Nay số 390, ngày 1.10.2000); Tìm được Trường ca ‘Dã Tràng’ của Trịnh Công Sơn (Báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy, ra ngày 5.1.2002).
Tôi xin hỏi từ sau ngày ông Ty rời Bảo Lộc (1967) đến bây giờ (1.2003), trong 36 năm qua ông đã có dịp nào gặp lại và tìm hiểu về cô Lê Thị Ngọc Trinh chưa mà ông dám ‘khẳng định cô Trinh không biết một chút gì (NĐX nhấn mạnh) về những điều mà ông Xuân bảo rằng cô ấy đã kể và hát bài ‘Ông tiên râu dài’ cho ông nghe.’ Cô Trinh không kể và không hát cho tôi nghe mà tôi dám viết báo bán rộng rãi tại Huế – nơi gia đình và bạn bè cô Trinh đang sinh sống, rằng cô Trinh đã kể và đã hát cho tôi nghe về những thông tin ấy có được không? Bất cứ một nhà giáo nào với sự tự trọng tối thiểu cũng không thể chấp nhận sự bịa đặt như thế huống chi cô Trinh là một cố giáo xứ Huế mẫu mực mà ông Ty đã từng biết! Và, không những cô Trinh thuộc bài hát Ông Tiên Râu mà còn nhiều bạn bè của Trịnh Công Sơn ở Huế đều thuộc bài hát đó.
Tôi là một người viết văn nhưng rất quan tâm đến sử cho nên làm việc với các ‘nhân chứng lịch sử’ tôi đều có lấy bút tích, chụp ảnh và thu thanh lời kể. Riêng về đề tài nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tôi còn chú š đến chuyện làm tài liệu để sau nầy đưa vào lưu giữ ở Nhà Lưu niệm Trịnh Công Sơn tại Huế mà chúng tôi đang vận động thành lập. Tất cả những người tôi nêu ‘trong nguồn tư liệu’ trong bài viết đang đề cập đều có ảnh và tiếng nói của họ. Để thấy rõ sự chủ quan, võ đoán của ông Nguyễn Thanh Ty như thế nào, xin độc giả Giao Điểm hãy bỏ chút tiền còm trả cho điện thoại viễn liên để nghe cô giáo Lê Thị Ngọc Trinh hát bài Ông Tiên Râu qua băng Cassette mà tôi đã thu thanh từ hồi mùa hè năm 2001, hoặc có thể – với tinh thần văn nghệ, có một chút lịch sự tối thiểu chứ không võ đoán như ông Thanh Ty, xin nghe cô Ngọc Trinh hát trực tiếp qua điện thoại (Báo trước cho tôi để tôi cung cấp số điện thoại nhà riêng của cô Ngọc Trinh).
Vậy thì, sau khi ông Ty chứng tỏ ông vẫn bình thường và trả lời những câu hỏi của tôi trên mạng, và sau khi độc giả hiểu rõ sự thật qua điện thoại viễn liên gặp cô Ngọc Trịnh, có vị nào thấy cần phải tranh luận tiếp tôi xin viết tiếp.
Xin cám ơn Ban biên tập Giao Điểm đã giúp tôi đưa cái thư điện tử nầy đến bạn đọc.
Nguyễn Đắc Xuân,
9/1 Nguyễn Công Trứ, Huế
Điện thoại: 054.823009
Trả lời